Thứ bảy, 20/04/2024|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử Trường Tiểu học Bình Ninh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị tổng kết các phương pháp đổi mới dạy học đối với cấp tiểu học

Tiếp tục các nội dung trong chuỗi hoạt động tổng kết nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2018-2019, sáng ngày 15/8/2019, tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị tổng kết các phương pháp đổi mới dạy học đối với Tiểu học. Hội nghị có sự tham dự đầy đủ của đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ GDĐT; Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ; Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Viện nghiên cứu thiết kế trường học; đại diện lãnh đạo Sở GDĐT, lãnh đạo Phòng GDTH Sở GDĐT, Phòng GDĐT và một số trường tiểu học 63 tỉnh, thành phố cả nước. Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục bước đầu thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực; chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học. Trong quá trình thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy vẫn tồn tại những hạn chế, khó khăn nhất định; Hội nghị là dịp để đánh giá việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học ở cấp tiểu học; từ đó định hướng chuẩn bị tốt nhất cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021.

Báo cáo tổng kết các phương pháp đổi mới dạy học đối với cấp tiểu học, Phó Vụ trưởng Vụ GDTH Tạ Ngọc Trí tập trung đánh giá việc thực hiện Mô hình trường học mới; phương pháp “Bàn tay nặn bột”; dạy học Mỹ thuật theo dự án hỗ trợ của Đan Mạch; dạy học Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục.

Về việc thực hiện Mô hình trường học mới, Phó Vụ trưởng cho biết, năm học 2018-2019 có khoảng 3.827 trường tiểu học thực hiện mô hình này (tăng 2.457 trường so với năm học 2016-2017). Việc thực hiện mô hình trường học mới nhìn chung đã thành công, đạt hiệu quả tốt, tạo tiền đề vững chắc và điều kiện thuận lợi cho đổi mới chương trình sách giáo khoa 2018 cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và học sinh. Hầu hết giáo viên đã thay đổi cách thức tổ chức lớp học; việc tự quản và tự học của học sinh được nâng lên; mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh, giữa nhà trường với cộng đồng, môi trường học tập cải thiện theo hướng tích cực; việc áp dụng mô hình trường học mới góp phần tạo ra những thay đổi tích cực trong quá trình học tập, rèn luyện của học sinh, phát triển năng lực, phẩm chất người học; nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo được tổ chức như: ngày hội học sinh tiểu học, ngày hội đọc sách, ngày hội em yêu khoa học; thi kỹ năng tham gia giao thông an toàn;…

Về phương pháp bàn tay nặn bột, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập huấn phương pháp dạy học tích cực, xây dựng bộ học liệu về phương pháp dạy học tích cực để địa phương tham khảo, trong đó có phương pháp bàn tay nặn bột. Từ đó, hỗ trợ tốt hơn cho cho địa phương trong thực hiện phương pháp này. Qua triển khai phương pháp nặn bột, một số nội dung dạy học trong trường trong trường phổ thông đã được sắp xếp một cách hợp lý hơn, khắc phục được một số chồng chéo về nội dung giữa các môn, góp phần giảm tải chương trình; nhiều nội dung mới đã được cập nhật, bổ sung vào chương trình dạy học thông qua yêu cầu thiết kế các hoạt động tích cực của học sinh. Đến nay, có 13.008 trường tiểu học triển khai hiệu quả thực hiện phương pháp bàn tay nặn bột.

Về dạy học Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch, Phó Vụ trưởng cho biết hiện có 13.200 trường tiểu học thực hiện, chiếm tỷ lệ 82%, tăng 600 trường so với năm học 2016-2017. Hầu hết các đơn vị đã chủ động linh hoạt triển khai phương pháp này và đạt kết quả tốt, bước đầu đạt những thành công tích cực, đáp ứng tốt định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Về dạy học Tiếng Việt 1- Công nghệ Giáo dục, Phó Vụ trưởng đánh giá các địa phương đã triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo định hướng của Bộ Giáo dục Đào tạo về dạy học theo tài liệu Tiếng Việt 1- Công nghệ Giáo dục; xây dựng lộ trình và quy trình triển khai đảm bảo tính khả thi và hiệu quả khi tổ chức thực hiện; chủ động xây dựng kế hoạch dạy học theo tài liệu Tiếng Việt 1- Công nghệ Giáo dục theo từng năm học; cuối năm có tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm. Đa số học sinh tham gia học tập tài liệu nắm chắc cấu tạo ngữ âm tiếng Việt nên đều đọc được và đọc tốt; nắm chắc các quy tắc chính tả, học đến đâu chắc đến đó, không bị nhầm lẫn khi viết chính tả; đặc biệt học sinh được rèn nền nếp học tập ngay từ những ngày đầu vào lớp 1; các em chủ động tự tin và phát huy tư duy tốt khi học tập tài liệu này. Năm học 2018-2019 có 48 tỉnh/thành phố triển khai thực hiện với 8.198 trường, so với năm học 2016-2017 tăng 1.547 trường.

Tại Hội nghị, đại biểu được nghe thêm báo cáo tham luận của các địa phương trong triển khai thực hiện các phương pháp đổi mới dạy học: Sở GD&ĐT Lâm Đồng với tham luận về mô hình trường học mới; Sở GD&ĐT Bình Định với tham luận về phương pháp Bàn tay nặn bột; Sở GD&ĐT Nam Định với tham luận về dạy học mĩ thuật theo phương pháp Đan Mạch và Sử GD&ĐT Lạng Sơnvới tham luận Dạy học theo tài liệu Tiếng Việt 1 – CNGD. Các địa phương đã đánh giá sâu những thuận lợi, khó khăn,, kết quả đạt được, hạn chế trong thực hiện các phương pháp trên; đồng thời đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Phát biểu định hướng thảo luận thêm tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị đại biểu tập trung thảo luận sâu cách thức triển khai thực hiện các phương pháp, kỹ thuật dạy học để chuẩn bị cho thực hiện chương trình GDPT 2018. Theo đó, đại diện Sở GD&ĐT Đồng Tháp chia sẻ, địa phương luôn chỉ đạo các trường dạy học gắn với hoạt động trải nghiệm; nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng chuyên môn, tích cực hỗ trợ cho các phòng GD&ĐT, các trường tiểu học trong việc dạy học liên môn qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo; tạo điều kiện cho HS được tiếp thu kiến thức từ thực tế; công tác truyền thông được quan tâm thực hiện thường xuyên, có ký kết với đài truyền hình Đồng Tháp để kịp thời đưa tin và phản ánh thực tế giáo dục địa phương.

Cùng chia sẻ tại Hội nghị, đại diện Sở GD&ĐT Cần Thơ cho biết, những năm qua, Sở đã làm tốt công tác tuyên truyền, truyền thông thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học; làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tăng nguồn lực đầu tư để thực hiện đổi mới giáo dục nói chung và triển khai thực hiện đổi mới phương pháp dạy học nói riêng.

Cũng tại Hội nghị, một số Sở GD&ĐT (Kiên Giang, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Điện Biên,…) chia sẻ một số khó khăn của địa phương khi thực hiện các phương pháp này, nhất là công tác xã hội hóa giáo dục.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao các tham luận và ý kiến phát biểu của đại biểu. Thứ trưởng khẳng định, nhận thức của mỗi cá nhân trong việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học là hết sức quan trọng. Muốn thực hiện thành công đổi mới phương pháp dạy học thì điều kiện tiên quyết là mỗi giáo viên phải có sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, biến việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học như là nhiệm vụ thành khát vọng, thành tâm huyết của mỗi nhà giáo. Có như thế, giáo viên mới say mê, mới đầu tư nghiên cứu và thực hiện thành công đổi mới phương pháp dạy học. Thứ trưởng yêu cầu, các địa phươngtiếp tục triển khai thực hiện các phương pháp đổi mới trong dạy học ở chương trình giáo dục phổ thông hiện hành để chuẩn bị cho thực hiện chương trình GDPT 2018; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để triển khai thực hiện, trong đó đặc biệt quan tâm bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có đủ phẩm chất, năng lực; tăng cường công tác xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ cho hoạt động của nhà trường. Thứ trưởng cũng đề nghị người quản lý, cụ thể là Hiệu trưởng phải là người đi đầu trong đổi mới, từ đó mới truyền được động lực, cảm hứng, say mê và trách nhiệm cho đội ngũ giáo viên, nhân viên và học sinh cùng quyết tâm nỗ lực thực hiện thành công đổi mới./.

                                                                                                                                        N.T.X.N


Tác giả: Nguyễn Tương Xuyên Nghiêm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin Video
Tài liệu
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1
Hôm qua : 3
Tháng 04 : 43
Tháng trước : 76
Năm 2024 : 243
Năm trước : 2.533
Tổng số : 27.927